Sau
khi phóng thành công lên quỹ đạo, VINASAT-1 đã hiện thực hóa giấc mơ
làm chủ vệ tinh viễn thông riêng của Việt Nam, khẳng định chủ quyền quốc
gia trong không gian và hiện 90% dung lượng của vệ tinh này đã được sử
dụng.
Tiết kiệm chi phí thuê kênh
Trước
khi có vệ tinh VINASAT-1, Việt Nam đã thuê 2.024 kênh vệ tinh viễn
thông của nước ngoài với mức chi phí thuê kênh vệ tinh khoảng 10 triệu
USD/năm. Tính tới nhu cầu phát triển của tất cả các bộ ngành trong những
năm tiếp theo thì số tiền phải chi thuê kênh vệ tinh sẽ lớn hơn rất
nhiều. Vì vậy, việc Việt Nam có vệ tinh riêng đã giúp các đơn vị trong
nước tiết kiệm chi phí thuê kênh, giảm từ 1/3 đến một nửa tùy thuộc vào
băng tần sử dụng. VINASAT-1 đi vào hoạt động góp phần hoàn thiện cơ sở
hạ tầng thông tin liên lạc (TTLL) của quốc gia, nâng cao năng lực mạng
lưới, chất lượng dịch vụ VT-CNTT, phát thanh, truyền hình của Việt Nam.
Đến
nay, 90% dung lượng băng tần vệ tinh VINASAT-1 đã được đưa vào sử dụng.
Với vùng phủ sóng toàn bộ khu vực Đông Nam Á và cả ở các thị trường lớn
khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… VINASAT-1 đã và đang cung cấp các
dịch vụ truyền hình, truyền dữ liệu, trung kế truyền dẫn, thoại,
Internet cho các khách hàng trong và ngoài nước với chất lượng dịch vụ
theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến 10% dung lương băng tần còn lại sẽ được
đưa vào sử dụng trong năm 2012.
PGĐ
Công ty Viễn thông quốc tế VTI Hồ Công Lâm cho biết, doanh thu dự kiến
năm 2012 của VINASAT-1 là 250 tỷ đồng, chưa kể doanh thu từ 30% băng tần
dành cho hoạt động của VNPT. Phó TGĐ thường trực VNPT Phan Hoàng Đức
cũng cho biết tính trên tuổi thọ thiết kế của vệ tinh VINASAT-1 là 15
năm thì sau khoảng 10 năm VNPT sẽ thu hồi được vốn đầu tư 3.900 tỷ cho
VINASAT-1 và thu hiệu quả kinh doanh cho 5 năm tiếp theo.
Nhiều đài truyền hình đã sử dụng VINASAT 1
VINASAT-1
mặc dù đi sau và chịu sự cạnh tranh khá mạnh giữa các nhà khai thác vệ
tinh trong khu vực nhưng VTI đã ký kết được nhiều hợp đồng với nhiều
khách hàng lớn trong và ngoài nước như VTV, VOV, VTC, các công ty dầu
khí, công ty viễn thông của Lào, Thái Lan và Singapore.
Mới
đây, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đã ngừng phát sóng trên vệ tinh
nước ngoài AsiaSat5 và chuyển toàn bộ các kênh truyền hình vệ tinh về
VINASAT-1. Do VTI đã mở rộng được thêm băng thông cho VTC thuê phát sóng
nên dịch vụ truyền hình vệ tinh của VTC tăng thêm được 12 kênh truyền
hình chuẩn chất lượng HD và 60 kênh chuẩn tín hiệu SD để cung cấp cho
khách hàng. Dự báo thời gian tới, nhu cầu sử dụng băng tần vệ tinh của
VTC nói riêng và các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam nói
chung sẽ tăng nhanh chóng.
Là
một khách hàng của VINASAT-1, PGĐ phụ trách nội dung của Đài Tiếng nói
Nhân dân TP.HCM - VOH Nguyễn Trọng Trí nhận xét: VINASAT-1 đã truyền dẫn
tín hiệu nội dung đảm bảo chất lượng cao và có mức phí thuê băng tần
hợp lý. Nhờ có VINASAT-1 mà VOH nhanh chóng mở rộng vùng phủ sóng. Thời
điểm trước sóng FM 99,9 MHz của VOH từ TP.HCM đến Vĩnh Long có hiện
tượng khó nghe, thì hiện nay bằng dịch vụ truyền dẫn của VINASAT-1, VOH
đã phủ sóng được toàn bộ vùng đồng bằng Sông Cửu Long, chất lượng đồng
đều với mọi khoảng cách. Cũng nhờ việc phủ sóng này mà số lượng khán giả
nghe Đài tăng lên đáng kể.
Đài
Truyền hình TP.HCM (HTV) cũng lựa chọn VINASAT-1 thay cho việc sử dụng
vệ tinh nước ngoài. Theo TGĐ Nguyễn Quý Hòa, để đáp ứng tốt hơn nữa nhu
cầu sử dụng, sau VINASAT-1, VNPT cần đảm bảo chất lượng truyền dẫn của
VINASAT-2 theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và có giá thành hợp lý để
nâng cao sức cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ cho thuê băng tần
vệ tinh trong khu vực và quốc tế.
VietsovPetro
là một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng dịch vụ của VINASAT-1,
VietsovPetro đang thuê và sử dụng 40 kênh thoại, 1 kênh truyền số liệu
16 Kb và 1 kênh data của VINASAT-1. Trưởng Ban Sửa chữa thiết bị, Trung
tâm Công nghệ thông tin và Liên lạc- Xí nghiệp Liên doanh
VietsovPetroĐào Văn Mạnh đánh giá cao tầm quan trọng của VINASAT-1 với
hoạt động của đơn vị. Theo ông, thông tin vệ tinh đảm bảo được độ an
toàn cao kể cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như năm 2008, cơn
bão số 9 đổ bộ vào khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu, hệ thống điện bị mất, TTLL ở
nhiều khu vực tại TP. Vũng Tàu bị tê liệt nhưng thông tin giữa biển và
bờ của VietsovPetro qua kênh vệ tinh VINASAT-1 vẫn thông suốt. Bên cạnh
đó, công tác chăm sóc khách hàng và tư vấn dịch vụ của VTI rất nhanh
chóng, chuyên nghiệp mang lại sự hài lòng cho khách hàng.
Không
chỉ phục vụ tốt những khách hàng trong nước, vệ tinh VINASAT-1 cũng góp
phần đẩy mạnh thị phần dịch vụ thuê kênh riêng và dung lượng quốc tế
tại thị trường Campuchia của VTI. VTI đã ký thỏa thuận hợp tác kinh
doanh với Telecom Cambodia nhằm thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trực
tiếp cho khách hàng thuê kênh quá giang cho doanh nghiệp viễn thông
Campuchia, dịch vụ cho thuê kênh riêng cho khách hàng là doanh nghiệp
Việt Nam đang hoạt động đầu tư, SXKD tại Campuchia. Đây là bước đi đầu
tiên rất quan trọng để VTI tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến hoạt động kinh
doanh tại những thị trường tiềm năng khác như Myanma, Lào…
Sắp
tới, VNPT sẽ phóng vệ tinh VINASAT-2 lên quỹ đạo, cùng với VINASAT-1
tạo thành một hệ thống các vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và
giảm thiểu rủi ro cho khách hàng, tiếp tục củng cố an toàn cho mạng
viễn thông quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng dung lượng vệ tinh của thị
trường trong nước và khu vực từ nay đến năm 2020, phục vụ yêu cầu ngày
càng cao và đáp ứng lòng tin của khách hàng.
Theo Báo Bưu điện
0 nhận xét:
Đăng nhận xét